Văn phòng đại diện là đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, dù đối với doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong lãnh thổ Việt Nam. Vậy chức năng của văn phòng đại diện là gì? Tưởng chừng đây là câu hỏi đơn giải nhưng hàng ngày Luật Hoàng Tân Minh vẫn nhận được câu hỏi dạng “văn phòng đại diện có chức năng kinh doanh hay không? Để giải quyết vấn đề này chúng ta sẽ xem xét lại về quy định văn phòng đại diện.
Các loại văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện trên thực tế được phân ra làm 2 loại chính là văn phòng đại diện của các công ty trong nước và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
Văn phòng đại diện của công ty trong nước được quy định tại khoản 2 điều 45 Luật doanh nghiệp 2015 như sau:
Điều 45. Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài được quy định tại khoản 6 điều 3 Luật thương mại 2005 như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
6. Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam để tìm hiểu thị trường và thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Văn phòng đại diện có chức năng kinh doanh không?
Dựa vào khái niệm của văn phòng đại diện nêu trên có thế người đọc chưa nắm rõ văn phòng đại diện có chức năng kinh doanh hay không? Kinh doanh là một khái niệm không được luật hóa rõ ràng, tuy nhiên có thể hiểu kinh doanh là các hoạt động phục vụ mục đích sinh lợi (đem lại lợi nhuận) cho các đối tượng thực hiện kinh doanh. Đối với văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài luật cũng quy định rõ không được hoạt động sinh lời tại khoản 1 điều 18 Luật thương mại 2005. Luật doanh nghiệp 2015 lại quy định không được rõ ràng như vậy, nhiều người nghĩ hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp thì có thể được phép hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên điều này là chưa chính xác, du không được luật hóa một cách cụ thể, nhưng theo hồ sơ về việc thành lập văn phòng đại diện không được ghi ngành nghề kinh doanh mà là “nội dung hoạt động”. Trên thực tế thực hiện thủ tục các nội dung này thường là thay mặt công ty giao dịch với khách hàng hoặc giới thiệu sản phẩm. Đây không phải là hoạt động kinh doanh đúng nghĩa, do vậy có thể kết luận văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh.
Xét giả thiết nếu văn phòng đại diện có chức năng kinh doanh khó lòng mà phân biệt được văn phòng đại diện với các đơn vị trực thuộc khác của doanh nghiệp như chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh. Một số văn bản luật như nghị định về lệ phí môn bài cũng đã nhầm lẫn về văn phòng đại diện có chức năng kinh doanh.